Lính Tô Lâm dùng mạng dân chặn ô tô, 2 người bị xe nghiền. Cái ác trồi lên từ đâu?

Một vụ việc khó tin đã xảy ra vào chiều ngày 21/4, khi Công an huyện Đức Hòa, Long an, muốn dừng một chiếc xe bán tải hiệu Ford Ranger, mà họ nghi là của bọn buôn ma túy. Việc dừng xe tình nghi là trách nhiệm của Công an. Họ được nhận lương từ thuế của dân để làm chuyện đó, và đồng thời, họ chống tội phạm thì phải bảo đảm an toàn tính mạng cho dân. Tuy nhiên, Công an huyện Đức Hòa đã thực hiện một hành động mà không ai có thể tưởng tượng nổi, đó là họ dùng sinh mạng dân để chặn đầu chiếc xe bán tải đang lao như tên bắn.

Tờ báo Tuổi Trẻ, một tờ báo lớn chỉ nói về công an, không đả động gì đến 2 mạng dân bị cảnh sát đem làm lá chắn

Hình ảnh trên clip cho thấy, cảnh sát giao thông đã dừng người dân đang đi đường và lập thành rào chắn để chặn chiếc “xe điên”. Thực tế thương tâm đã xảy ra, chiếc xe bán tải chạy tốc độ cao tông chết 2 người dân và một cảnh sát giao thông.

Ép dân làm rào chắn để dừng xe điên là tội ác. Những người này cần phải bị trừng trị. Ai đã chủ trương dùng mạng dân làm lá chắn cần phải bị truy tố trước pháp luật. Không ai có quyền dùng mạng người dân để lập thành tích phá án. Cộng đồng mạng cần lên tiếng với tội ác man rợ này.

Sự bất nhân của chính quyền này đã thành bản chất. Cả hệ thống báo chí, không một tờ báo nào lên tiếng về mạng sống của 2 người dân vô tội. Cứ mỗi lần lực lượng chức năng gây ra tội ác, thì dường như hệ thống báo chí tự hiểu rằng, họ phải che chắn cho tội ác đó, chứ không phải đứng về phía người dân vô tội.

Người ta nói, thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã hành động như một thủ lĩnh thổ phỉ, khi mà mới đây ông cho lính của ông sang Thái Lan bắt cóc Thái Văn Đường như chốn không người. Rồi sau đó, hệ thống báo chí đồng loạt ca lên cùng một bản nhạc, đó là thông tin Thái Văn Đường đã vượt biên trái phép về Việt Nam và bị bắt.

Với một con người thiếu đạo đức, thiếu ý thức trách nhiệm về việc tuân thủ luật pháp như ông Tô Lâm, mà lại nắm Bộ Công an, thì Công an có đạo đức được không? Có tuân thủ luật pháp được không? Cái ác, cái vô trách nhiệm, cái thói xem thường dân là bản chất của Công an từ xưa đến nay. Nhưng đến thời của Tô Lâm, những thứ này nó lại hiện rõ hơn bao giờ hết, nó tiến triển lên tầm cao hơn.

Thời phong kiến, người ta buộc thường dân phải tự nhận là “thảo dân”, nghĩa là dân cỏ rác. Thời nay, chính quyền Cộng sản không bắt dân phải tự mình xưng là “thảo dân” trước quan chức, nhưng quan chức thì vẫn coi dân như cỏ rác, chẳng khác nào thời phong kiến. Ngoài việc ngành công an đem mạng dân ra làm lá chắn chặn xe điên, thì 800 tờ báo cũng đang hùa theo thái độ bất nhân này. Họ lơ đi cái chết tức tưởi của 2 người dân. Họ xem 2 sinh mạng này như 2 cây cỏ bị nhổ gốc, phơi khô thành rác mà thôi.

Trên mạng xã hội, cũng có những tiếng kêu cho sự ra đi của hai người dân vô tội, nhưng xem ra, tiếng kêu này đang lạc vào khoảng không mênh mông. Những tiếng kêu này là cần thiết, bởi chính quyền này không hề biết thượng tôn pháp luật, mà họ dùng pháp luật như là công cụ bảo vệ họ mà thôi. Mỗi người dân, mỗi tài khoản facebook, nếu đóng góp tích cực cho tiếng nói chống lại tội ác, thì chính quyền sẽ chùn tay hơn. Còn nếu ai cũng im lặng, thì thế nào tội ác cũng leo thang.

Công an đã giết dân mà lại gọi là “sự cố đáng tiếc”

Mạng dân bị đem ra hy sinh để những kẻ ăn tiền thuế của dân lập thành tích là một tiền lệ nguy hiểm. Đạo đức xã hội đang xuống cấp và đạo đức trong giới  quan chức xuống cấp còn nghiêm trọng hơn.

Ở các nước tiến bộ, ngành giáo dục luôn làm nhiệm vụ giáo dục đạo đức con người. Ở Việt Nam, ngành giáo dục cũng có dạy đạo đức, nhưng là đạo đức theo cách mà người Cộng sản muốn. Riêng đảng viên còn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Công an được học đạo đức rất nhiều, nhưng họ lại đem sinh mạng người dân ra chặn xe điên. Vậy cái mà những công an đã học đó, thực sự là đạo đức hay cái ác?

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://video.tuoitre.vn/video-nhieu-vu-csgt-bi-tan-cong-thuong-vong-khi-dung-xe-nghi-cho-hang-cam-141854.htm