Nghị định 168 được ban hành với chủ trương là đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng mục đích chính của Nghị định này không phải là để đảm bảo an toàn giao thông, mà là cách để ngành công an thể hiện quyền lực của mình đối với xã hội.
Theo giới phân tích, thông qua Nghị định 168, lãnh đạo ngành công an muốn thể hiện uy quyền của họ. Nhằm mục đích tăng cường vị thế trong vai trò kiểm soát xã hội, tạo ra hình ảnh mạnh mẽ nhằm củng cố quyền lực và mở rộng phạm vi ảnh hưởng, khi Đại hội Đảng 14 khai mạc vào đầu năm 2026.
Trên thực tế, sau hơn 2 tuần khi Nghị định này đưa vào áp dụng, kết quả là, ở các đô thị lớn như Hà Nội và Sài Gòn, đã xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng trên diện rộng.
Đáng chú ý, không chỉ là việc Thủ tướng Phạm Minh Chính – người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội và Sài Gòn phải có ngay biện pháp giải quyết tình trạng kẹt xe kéo dài. Thậm chí, một số tờ báo của nhà nước đã không “ghìm” được sự bức bối, đã lên tiếng chỉ trích không thương tiếc.
Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp Vietstock ngày 12/1 giật tít với tiêu đề: “Luật là để dẫn dắt chứ không phải gây ách tắc”. Bài báo cho rằng, vào những ngày cuối năm, nếu không có cái Nghị định “đánh thẳng vào túi tiền” kia thì sự ra đời của 168 không những không khắc phục được vấn nạn, lại còn làm gia tăng thêm ùn ứ cục bộ, ùn ứ diện rộng.
Đồng thời tác giả cũng đặt câu hỏi: Trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến của Nghị định này, Bộ Công an đã lường trước những “đặc thù” nói trên hay chưa? Vì sao, chỉ trong mấy ngày đầu đã phải tiến hành rà soát và lắp mũi tên màu xanh ở khu vực giao lộ để giải quyết nạn ùn ứ nghiêm trọng?
Theo đó, việc ban hành một Nghị định mà tính chất áp dụng lại “đồng phục” cho mọi loại đô thị, trên 10 triệu dân cũng như 4 – 5 triệu dân đã là hợp lý hay không? Cộng với “lệ” đã có sẵn từ lâu là “được phép quẹo phải khi đèn đỏ”, thì nay nổi hứng cấm rẽ phải khi đèn đỏ, dẫn tới ách tắc nghiêm trọng như hiện nay?
Trên mạng xã hội, mới đây, đã xuất hiện các clips cho thấy khoảng 18h30 ngày 13/1, trên đường Trường Chinh, Quận Thanh Xuân, Hà Hội, đoạn gần với Bảo tàng Phòng không – Không quân, đoàn xe nhích từng chút một. Bất ngờ, hàng chục rồi cả trăm xe gắn máy nối đuôi nhau chạy tràn lên vỉa hè bất chấp quy định mới của Bộ Công an.
Đây là biểu hiện ban đầu của cái gọi là sự “tức nước, vỡ bờ”. Có nhiều ý kiến lo ngại và đặt vấn đề, nếu Bộ Công an và các cơ quan chức năng không có sự điều chỉnh Nghị định 168 ngay lập tức. Hiện tượng kể trên sẽ xảy ra liên tiếp trên diện rộng ở tất cả các thành phố lớn thì điều gì sẽ xảy ra?
Theo đó, việc người điều khiển xe gắn máy bức xúc tràn lên hè. Nếu chỉ 1 hay 2 người leo lên hè, cảnh sát có thể phạt, nhưng nếu là 10 người, hay 100 đến 500 người đồng loạt leo lên vỉa hè thì cảnh sát có phạt nổi hay không?
Nếu tình trạng “ách tắc” kéo dài không được khắc phục, sẽ tạo nên tâm lý bức xúc chung của toàn xã hội, và được ví như một thùng thuốc súng đang chờ một mồi lửa. Có hay không, với sự tức nén về mặt tâm lý của đại đa số dân chúng, một cuộc cách mạng màu bắt đầu sẽ theo cách thức này.
Chiều 14/1, tại Hà Nội, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tại Bộ Công an, trong buổi lễ buổi gặp mặt cán bộ công an cấp cao qua các thời kỳ. Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, “Thành quả của đất nước, người dân phải được thụ hưởng”. Tuy nhiên, công luận đặt câu hỏi ngược lại rằng, phải chăng người dân đang thụ hưởng hậu quả của Nghị định 168 “hại dân”?
Trà My – Thoibao.de